Social Commerce là gì? Xu hướng chưa bao giờ hết hot!
Theo thống kê từ Statista, doanh số Social Commerce (Thương mại xã hội) toàn cầu đạt 992 tỷ USD năm 2022 và có thể lên đến 2,9 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Chính vì vậy, thương mại xã hội được đánh giá là một trong những xu hướng thương điện tử được đánh giá cao và có tiềm năng trong tương lai.
Social Commerce là gì?
Social Commerce hay thương mại xã hội là thuật ngữ kết hợp giữa hai khái niệm chính: “Social” (xã hội) và “Commerce” (thương mại). Đây là mô hình kinh doanh kết hợp giữa các yếu tố của mạng xã hội và thương mại điện tử, nhằm tạo ra trải nghiệm mua sắm có sự tương tác và kết nối hơn cho khách hàng.
Social Commerce cho phép người dùng xem và mua hàng trực tiếp thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, etc. Thông qua thương mại xã hội, khách hàng có thể tham khảo thông tin sản phẩm, đánh giá, nhận xét từ người dùng khác và thậm chí mua hàng trực tiếp từ các bài viết, quảng cáo, trang cửa hàng của doanh nghiệp trên các nền tảng xã hội này.
Mô hình Social Commerce thường đi kèm với các tính năng tương tác, chia sẻ và gợi ý sản phẩm. Thương mại xã hội cũng tận dụng sự phổ biến và số lượng lớn người dùng trên các mạng xã hội để tạo sự lan truyền tự nhiên của sản phẩm và thương hiệu.
Dưới đây là một số loại thương mại xã hội phổ biến:
- Social Influencer Marketing: Đây là hình thức tiếp thị dựa trên sức ảnh hưởng của các người dùng có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp sẽ hợp tác với những người nổi tiếng hoặc có ảnh hưởng lớn để quảng bá sản phẩm và thương hiệu.
- Affiliate Marketing: Tiếp thị liên kết là chiến lược marketing trong đó các doanh nghiệp sẽ ủy quyền cho những người có sức ảnh hưởng để quảng bá hoặc đánh giá cho sản phẩm/dịch vụ trong các bài đăng trên mạng xã hội, bằng cách nhúng các liên kết vào nội dung nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng. Đổi lại, các đối tác tiếp thị liên kết này sẽ kiếm được phần trăm hoa hồng từ doanh thu của các liên kết đó.
- Social Media Advertising: Loại thương mại này tập trung vào việc sử dụng mạng xã hội làm nền tảng quảng cáo. Doanh nghiệp có thể chạy các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Pinterest, TikTok, etc để tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu.
- Nội dung do người dùng tạo ra (UGC): Khuyến khích khách hàng chia sẻ trải nghiệm của họ bằng cách sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội để tăng sự tin tưởng giữa những người mua hiện tại và tương lai.
- Live streaming: Tổ chức các buổi livestream trực tiếp trên các nền tảng như TikTok, YouTube hoặc Twitch cho phép người xem tương tác trực tiếp với doanh nghiệp bằng cách giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, đặt câu hỏi và phản hồi người dùng trong quá trình phát sóng sẽ giúp tăng tương tác và doanh số bán hàng trực tuyến.
Lợi ích triển khai Social Commerce
1. Nâng cao nhận thức về thương hiệu
Social Commerce giúp doanh nghiệp tiếp cận hàng triệu người dùng trên các mạng xã hội, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội phổ biến trên thế giới như TikTok, Facebook, Instagram, Pinterest. Thương mại xã hội giúp tăng cường nhận thức về thương hiệu, quảng bá sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đến lượng người dùng khổng lồ của các nền tảng này, cũng như tạo sự lan tỏa tự nhiên (organic) thông qua việc chia sẻ và tương tác từ người dùng.
Hãng thời trang thể thao nổi tiếng Nike đã triển khai Social Commerce một cách thành công thông qua việc sử dụng các bài viết, video và quảng cáo hấp dẫn trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter. Thương hiệu này thường xuyên tạo ra các chiến dịch quảng cáo khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm của họ. Thông qua các bài đăng của người dùng và việc sử dụng hashtag đặc biệt, Nike đã tạo ra sự lan truyền tự nhiên và gia tăng nhận diện thương hiệu.
2. Tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm
Đặc trưng của social commerce chính là tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua sắm trực tuyến cho người dùng, giúp giảm bớt số bước chuyển đổi từ việc xem sản phẩm đến việc mua hàng. Khách hàng có thể mua hàng trực tiếp từ các bài viết, bài quảng cáo hoặc cửa hàng trực tuyến của doanh nghiệp trên các nền tảng mạng xã hội.
Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, tiết kiệm thời gian trong quá trình mua sắm và tăng cường doanh số bán hàng thương mại điện tử của thương hiệu.
Chuỗi thương hiệu mỹ phẩm L’Oréal đã tạo ra nhiều kênh TikTok khác nhau cho từng thị trường mục tiêu, chẳng hạn như lorealparis (toàn cầu), lorealparisusa (thị trường Mỹ), , lorealparis_vn (thị trường Việt Nam), lorealparisid_shop (thị trường Indonesia), lorealparisth_store (thị trường Thái Lan), v.v. Việc này vừa giúp thương hiệu nắm được đúng khách hàng mục tiêu, vừa tận dụng TikTok Shop để khách hàng mua sản phẩm trực tiếp trên kênh TikTok của L’Oréal.
3. Theo dõi và đo lường hiệu quả hơn
Các trang mạng xã hội hiện nay đều cung cấp các công cụ phân tích và đo lường dữ liệu cho doanh nghiệp, chẳng hạn như Instagram Insights cung cấp dữ liệu nhân khẩu học bao gồm giới tính, nhóm tuổi và vị trí địa lý; Facebook Audience Insights giúp thu thập dữ liệu chuyên sâu hơn nữa về đối tượng mục tiêu của doanh nghiệp, TikTok Pixel có thể theo dõi các chỉ số chính như số lượt nhấp chuột, số lượt xem, tỷ lệ chuyển đổi và đánh giá hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo.
Việc tận dụng các nguồn dữ liệu này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng các chiến dịch kinh doanh thương mại xã hội hiệu quả hơn so với hoạt động kinh doanh bán lẻ truyền thống.
Một trong những doanh nghiệp thành công trong việc triển khai Social Commerce và tối ưu hóa việc theo dõi và đo lường hiệu quả là Fashion Nova. Đây là một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ, chuyên cung cấp quần áo và phụ kiện thời trang dành cho phụ nữ.
Các bài đăng trên Instagram của Fashion Nova thường có tích hợp các tính năng chia sẻ và theo dõi người dùng giúp tăng cường khả năng lan truyền thông tin về sản phẩm và thương hiệu. Ngoài ra, Fashion Nova cũng sử dụng các tính năng đo lường hiệu quả của Instagram và các công cụ phân tích để đo lường hiệu quả chiến dịch tiếp thị và quảng cáo của thương hiệu.
4. Tăng cường tương tác và hỗ trợ khách hàng
Vận dụng thương mại xã hội sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tương tác trực tiếp với khách hàng và nhận phản hồi của họ về thương hiệu hoặc sản phẩm thông qua các bài viết, hội thoại trực tiếp, trả lời bình luận và tin nhắn. Điều này giúp cung cấp hỗ trợ nhanh chóng và giải đáp thắc mắc của khách hàng, tạo sự hài lòng và tăng cường quan hệ khách hàng. Ngoài ra, từ các phản hồi này của khách hàng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng mong đợi của khách hàng.
Tarte Cosmetics là thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, chuyên cung cấp các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da. Tarte Cosmetics đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Facebook và Twitter để triển khai Social Commerce, thương hiệu này thường xuyên tương tác với khách hàng trên mạng xã hội. Đội ngũ admin luôn trả lời nhanh chóng các bình luận và tin nhắn từ người dùng, giải đáp thắc mắc và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật. Điều này tạo ra sự tin tưởng và sự hài lòng từ phía khách hàng, đồng thời tăng cường quan hệ với khách hàng một cách tích cực.
Trên đây là một số thông tin, lợi ích và ví dụ về các doanh nghiệp đã triển khai Social Commerce thành công. Tùy vào định hướng của mỗi doanh nghiệp mà các nhà quản trị có thể kết hợp mạng xã hội và thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng và xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số ngày nay.