Dùng điều hòa như thế nào để tiết kiệm điện?
Mùa hè đến chi phí sử dụng điều hòa lại là mối quan tâm của nhiều người. Vậy dùng điều hòa như thế nào để tiết kiệm điện? Thời tiết mùa hè nóng nực, sử dụng điều hòa giúp mọi người cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn. Tuy nhiên, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa bao nhiêu cho phù hợp và làm thế nào để tiết kiệm điện là băn khoăn của nhiều người.
Theo một số khuyến nghị, nhiệt độ điều hòa từ 26 độ C trở lên là mức giúp tiết kiệm năng lượng. Sau đó cứ tăng lên mỗi độ có thể giảm tải điện từ 7-10%. Vì vậy, một số người sẽ để điều hòa 29 độ C vào ban đêm cho tiết kiệm điện. Tuy nhiên, việc này không hoàn toàn đúng.
Vấn đề tốn nhiều điện khi sử dụng điều hòa không phải ở chỗ để điều hòa ở nhiệt độ bao nhiêu, mà là tùy thuộc vào mức chênh lệch giữa nhiệt độ môi trường so với nhiệt độ bên trong phòng. Mức nhiệt độ để điều hòa hoạt động hiệu quả nhất theo các chuyên gia là dưới 48 độ đối với dàn nóng và từ 19 độ trở lên ở nhiệt độ phòng. Để tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa, người dùng nên để nhiệt độ điều hòa có mức chênh lệch so với nhiệt độ môi trường khoảng từ 6 đến 10 độ.
Ví dụ, trong trường hợp bạn để điều hòa ở mức 30 độ thì sẽ có hai trường hợp. Nếu nhiệt độ bên ngoài cao hơn 36-40 độ thì chắc chắn sẽ rất tốn điện, vì lúc này máy phải hoạt động hết công suất. Ngược lại, khi nhiệt độ môi trường thấp hơn 40 độ, bật điều hòa 30 độ sẽ giúp tiết kiệm điện mà vẫn đủ độ mát.
Lưu ý, không nên để nhiệt độ dưới 20 độ C. Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn giữa bên trong và bên ngoài phòng sẽ gây hại cho sức khỏe.
Còn về việc đóng kín cửa bật điều hòa, các chuyên gia cho rằng, nếu liên tục sử dụng điều hòa trong phòng nhỏ đóng kín cửa một thời gian dài, chúng ta sẽ cảm thấy bí bách, nặng nề. Điều này sẽ gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là với gia đình có người già, trẻ nhỏ.
Vì vậy, bạn có thể tạo những khe hở nhỏ trong phòng để lưu thông khí, lắp thêm quạt thông gió; nên lựa chọn các loại điều hòa kèm chức năng lọc không khí, vừa giúp làm mát, vừa đảm bảo sức khỏe.
Khi nhiệt độ giảm xuống (vào chiều tối, khi trời mưa...), bạn có thể tắt điều hòa, mở cửa phòng để không khí lưu thông.
Ngoài ra, cần nhớ một số lưu ý sau khi dùng điều hòa để tiết kiệm điện:
Hẹn giờ tắt điều hòa
Phần lớn điều hòa trong các gia đình được sử dụng buổi tối trong thời gian đi ngủ và thông thường chúng ta chỉ tắt điều hòa lúc ngủ dậy vào buổi sáng. Thay vì 7h sáng dậy chúng ta mới tắt điều hòa, tại sao chúng ta không hẹn tắt từ lúc 6h? Ngay cả khi điều hòa được tắt trừ 6h sáng thì hơi lạnh còn lại cũng đủ giúp chúng ta ngủ đến 7h một cách thoải mái và dễ chịu. Chỉ cần việc nhỏ này giúp chúng ta tiết kiệm tiền điện không nhỏ.
Bật điều hòa kết hợp với quạt
Kết hợp vừa bật điều hòa và quạt trần, hoặc quạt cây khiến người dùng có cảm giác tốn điện hơn. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là một trong những biện pháp đơn giản trong việc vừa làm mát căn phòng, vừa giúp tiết kiệm phần nào công suất điện.
Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng quạt trần trong khoảng từ 15 - 20 phút đầu khi mới khởi động điều hòa, sau đó nên tắt bớt, vì khi không khí trong phòng đã lạnh thì dùng quạt trần không còn hiệu quả nữa mà còn gây tốn điện.
Không bật tắt liên tục
Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện bạn cần biết đó là bỏ thói quen bật tắt điều hòa liên tục. Nhiều người có thói quen bật điều hoà kèm quạt, sau đó tắt đi, đến khi cảm thấy nóng lại bật điều hoà lại. Tuy nhiên đây là cách làm tai hại, vừa không những lãng phí thêm tiền điện mà còn làm cho điều hòa nhanh hỏng.
Mỗi lần khởi động, điều hoà phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu.
Thường xuyên vệ sinh tấm lọc
Bằng mắt thường chúng ta không nhìn thấy bụi, tuy nhiên theo thời gian các bụi bẩn này sẽ tích tụ ở tấm lọc ở cục lạnh trong nhà (indoor) và làm giảm lượng hơi mát cung cấp vào phòng.
Bạn chỉ cần tháo tấm lọc bụi và cọ rửa vệ sinh bằng nước và giúp tăng hiệu quả làm mát từ đó tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.
Không dùng điều hòa liên tục
Dù nóng đến đâu cũng không nên bật điều hòa 24/24. Bởi thực tế, bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe vì không khí không được lưu thông cũng như độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn. Vì vậy, hãy tắt điều hòa và sử dụng quạt vào những thời gian không quá nóng trong ngày. Điều này vừa giúp làm không gian phòng thông thoáng hơn vừa giúp tiết kiệm điện năng đáng kể. Nếu kết hợp với quạt gió và để một chậu nước mát sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vì quạt giúp lưu thông khí mát trong phòng.
Nên dùng điều hòa bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Tần suất sử dụng điều hòa phụ thuộc vào điều kiện thời tiết bên ngoài. Trong những ngày oi bức, nhiệt độ ngoài trời có thể lên trên 40 độ C, bạn có thể bật điều hòa 15-20 tiếng/ngày. Vào những ngày mát hơn, thời gian sử dụng điều hòa có thể giảm xuống 8-10 tiếng, tùy vào điều kiện.
Việc để điều hòa chạy 24/24 có thể khiến tuổi thọ của máy bị giảm và cũng có thể tăng nguy cơ chập điện, cháy nổ.
Chúng ta nên tranh thủ thời điểm không khí dịu mát như vào sáng sớm hoặc chiều tối, những lúc có mưa dông để tắt điều hòa cho máy nghỉ. Ngoài ra, việc dùng điều hòa liên tục cũng không tốt cho sức khỏe của người lớn và trẻ nhỏ.